Mủ trôm được ví như yến sào bởi chúng khá giống nhau về mặt hình thức. Không những vậy, mủ trôm còn là loại thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất và có lợi cho sức khoẻ. Vậy chính xác mủ trôm là gì? Mủ trôm có tác dụng gì? Uống mủ trôm mỗi ngày có tốt không? Hãy cùng Sparta Việt tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Mủ trôm là gì?
Mủ trôm hay còn gọi là nhựa trôm, là nhựa được chiết xuất từ cây trôm. Loại cây này mọc nhiều ở khu vực nhiệt đới như Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Úc… Tại Việt Nam, cây trôm mọc nhiều ở Ninh Thuận và Bình Thuận.
Mủ trôm nguyên chất là một loại chất rắn có màu trắng đục hoặc trắng ngà. Tùy từng phương thức khai thác mà mủ trôm sẽ có hình dáng thanh dài hoặc tròn cục. Mủ trôm sẽ trương nở khi được ngâm vào nước với tỷ lệ thấp sẽ tạo hỗn hợp hơi nhớt, sánh mịn như thạch.
Thời điểm thích hợp để thu hoạch mủ trôm là khi cây trôm đã trồng được 4 – 7 năm. Để thu hoạch mủ trôm, người trồng phải thực hiện các công đoạn sau:
- Cạo vỏ cây rồi rạch dọc thân cây hoặc đục một lỗ rộng khoảng 10 cm ở nhiều vị trí khác nhau.
- Dùng bao nilon che hết các đường rạch hoặc lỗ đục trên thân cây, giúp mủ chảy ra không bị rơi xuống đất hay bám bụi.
- Sau vài ngày, dịch từ cây trôm sẽ tiết ra tại các đường rạch hoặc lỗ đục.
- Mủ trôm tươi sau khi thu hoạch sẽ đem phơi từ 3 – 4 đợt nắng to là thu được thành phẩm.
Thành phần dinh dưỡng trong mủ trôm
- Trong mủ trôm có chứa rất nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể như: kẽm, canxi, natri… Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hàm lượng kẽm, canxi và natri có trong 100g mủ trôm còn cao hơn nhiều trong tôm, cua, hay rau xanh mà bạn nạp vào cơ thể.
- Đặc biệt trong mủ trôm còn có đa dạng các axit amin như: axit amin như lysine, leucine, phenylalanine, threonine, methionine, isoleucine, valine, histidine…
- Bên cạnh đó, trong thành phần của nhựa cây này còn có đến 37% axit uronic, hợp chất polysaccharide cao phân tử (còn được gọi là đường đa). Hợp chất polysaccharide khi phân hủy sẽ cho ra các loại đường như L-rhamnose, D-galactose, axit D-galacturonic, trimethylamin, acetylat…
>> Xem thêm: Hạt đác là gì?
Mủ trôm có tác dụng gì?
Với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, mủ trôm thường được chế biến thành các loại thức uống thơm ngon, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Sau đây là một số công dụng của mủ trôm:
- Nhuận tràng
Mủ trôm có hàm lượng chất xơ rất cao, cùng đặc tính trương nở tốt. Theo đó, mủ trôm có khả năng kết dính cặn bã và các chất độc hại có trong ruột già, từ đó giúp cải thiện nhu động ruột và phòng chống táo bón hiệu quả.
- Mát gan, giải độc
Theo Đông Y, mủ trôm có vị ngọt, tính mát, thanh nhiệt, giải độc. Sử dụng mủ trôm sẽ có công dụng giải độc, mát gan và thanh lọc cơ thể hiệu quả.
- Giảm cân
Đặc tính trương nở của mủ trôm rất tốt cùng với hàm lượng dinh dưỡng cao, theo đó khi ăn hoặc uống mủ trôm sẽ giúp bạn luôn có cảm giác no lâu, từ đó hạn chế tiêu thụ thức ăn và hỗ trợ giảm cân.
- An thần, ngủ ngon
Mủ trôm được ví như liều thuốc ngủ tự nhiên giúp bạn có được một giấc ngủ sâu và giải tỏa mệt mỏi. Mỗi ngày, bạn có thể dùng khoảng 10 – 15g mủ trôm ngâm với nước nóng. Khi mủ trôm đã nở hoàn toàn thì chỉ cần pha thêm nước và ít đường là có thể thưởng thức để cải thiện giấc ngủ.
- Ứng dụng trong nha khoa
Trong lĩnh vực nha khoa, mủ trôm được sử dụng như một chất kết dính răng giả tự nhiên. Không những thế, mủ trôm còn là thành phần chính trong các loại thuốc chữa viêm họng nhờ đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm cực tốt của mình.
- Hỗ trợ ổn định đường huyết
Mủ trôm có tính ngọt thanh tự nhiên và là loại thực phẩm được các chuyên gia khuyên dùng cho những người có hàm lượng cholesterol trong máu cao. Mủ trôm có khả năng hỗ trợ và ổn định hàm lượng đường trong máu, từ đó giảm các bệnh lý về tim mạch, huyết áp.
- Chăm sóc sắc đẹp
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước uống mủ trôm có chứa hàm lượng oxy hóa lớn, có khả năng làm chậm tiến trình lão hóa, giúp làn da luôn sáng mịn và hồng hào.
Những lưu ý khi sử dụng mủ trôm
Ở nước ta, mủ trôm thường được sử dụng với mục đích làm nước giải khát bằng cách pha nước uống hoặc nấu chè. Tuy nhiên, trước khi dùng mủ trôm làm nước giải khát bạn cần tiến hành ngâm mủ trôm trong nước lọc.
1. Cách ngâm mủ trôm đúng cách
Cách ngâm mủ trôm khá đơn giản, bạn chỉ cần cho mủ trôm nguyên chất vào nước đun sôi để nguội và ngâm trong vòng 12 – 24 giờ. Thông thường mỗi lần sử dụng, bạn chỉ nên ngâm khoảng 5g mủ trôm trong 1 lít nước. Sau khi ngâm xong, bạn rửa lại mủ trôm thật sạch, để ráo nước, sau đó có thể sử dụng luôn. Nếu không sử dụng hết, bạn có thể cất mủ trôm trong ngăn mát để dùng dần.
Lưu ý:
- Mủ trôm có đặc tính trương nở rất cao. Nếu mủ trôm chưa nở hoàn toàn mà đã đem sử dụng có thể gây hiện tượng tắc ruột. Bởi mủ trôm khi đi vào đường tiêu hóa sẽ tiếp tục hút nước và trương nở.
- Ngâm mủ trôm với nước nóng, nước sôi sẽ phá vỡ mất cấu trúc của các phân tử Polysaccharide trong mủ trôm, làm giảm đi các tác dụng của mủ trôm đối với sức khỏe.
2. Cách pha mủ trôm với đường phèn
Pha mủ trôm với đường phèn là cách chế biến vừa đơn giản, vừa dễ uống. Bạn chỉ cần chuẩn bị mủ trôm, đường phèn và nước lọc đã đun sôi để nguội. Sau đó chế biến như sau:
- Ngâm mủ trôm trong nước khoảng 12 – 24 giờ, sau đó đem rửa lại sạch sẽ.
- Cho đường phèn vào nồi nước đun sôi cho tan hết, nêm nếm cho vừa miệng và để nguội.
- Sau khi nước nguội, bạn cho mủ trôm vào, khuấy đều là có thể sử dụng được.
- Bạn có thể cho thêm hạt é, nước cốt tắc, hoặc dầu chuối và thêm vài viên đá để gia tăng cảm giác ngon miệng.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng mủ trôm ăn kèm với thạch sương sâm hoặc dùng làm topping trong các món chè, thức uống thơm ngon khác.
3. Lưu ý khi sử dụng mủ trôm
Khi sử dụng mủ trôm, bạn cần đặc biệt nắm vững các lưu ý quan trọng dưới đây:
- Không nên sử dụng liều lượng quá nhiều, và sử dụng thường xuyên. Bởi nếu sử dụng quá nhiều có thể gây hiện tượng lạnh bụng, khó tiêu…
- Nếu xuất hiện các triệu chứng khác thường sau khi sử dụng mủ trôm thì cần ngừng sử dụng ngay.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú, người đang có khối u đường tiêu hóa và người đang sử dụng thuốc điều trị bệnh là 3 đối tượng không nên sử dụng mủ trôm.
Kết luận
Như vậy có thể thấy mủ trôm cũng là một trong những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, khi sử dụng mủ trôm bạn cần biết cách chế biến cũng như nắm vững các lưu ý khi sử dụng nhé.
FAQ
-
Mủ trôm để được bao lâu?
- Với mủ trôm khô chưa ngâm nở, bạn nên xem kỹ hạn sử dụng trên bao bì để xác định được thời gian sử dụng của sản phẩm. Thông thường thời gian bảo quản mủ trôm là khoảng 6 tháng kể từ ngày sản xuất.
- Với mủ trôm sau khi đã ngâm với nước và được rửa sạch, nếu không sử dụng hết bạn có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thêm 1 ngày.
-
Uống mủ trôm hàng ngày có tốt không?
Tốt nhất bạn không nên sử dụng mủ trôm quá thường xuyên. Tuyệt đối không sử dụng mủ trôm thay thế cho nước uống hàng ngày. Sử dụng nhiều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ tiêu hóa.
-
Trẻ em có uống được mủ trôm không?
Mủ trôm có nguồn gốc tự nhiên, an toàn nên trẻ em cũng có thể sử dụng được.