“Overthinking” hay suy nghĩ quá mức là tình trạng xảy ra ở nhiều bạn trẻ trong thời đại hiện nay. Những người bị gắn mác “overthinking” thường dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về vấn đề nào đó trong cuộc sống, họ mắc kẹt và khó thoát khỏi luồng suy nghĩ đó. Trong bài viết này, hãy cùng Sparta Việt tìm hiểu Overthinking là gì? Biểu hiện, tác hại và cách khắc phục tình trạng overthinking nhé.
Nội dung
Overthinking là gì?
Overthinking là hiện tượng mà một người dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về một vấn đề, tình huống trong cuộc sống và thường tiêu cực hóa các khía cạnh có thể không quan trọng. Overthinking có thể dẫn đến căng thẳng, lo âu, và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hành động của người đó. Theo tâm lý học thì overthinking chính là biểu hiện của hội chứng rối loạn lo âu.
Overthinking được chia thành 2 dạng là:
- Hồi tưởng về quá khứ (ruminating): Đó là khi bạn thường xuyên suy nghĩ về một vấn đề đã diễn ra và có kết quả trong quá khứ.
- Lo lắng cho tương lai (worrying): Khi một sự kiện sắp xảy ra, và bạn nghĩ đến hàng tá các tình huống có thể xuất hiện.
Biểu hiện của Overthinking
Nếu đang có các biểu hiện dưới đây thì rất có thể bạn đang mắc hội chứng “Overthinking”:
- Không kiểm soát suy nghĩ của bản thân
Bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát suy nghĩ của chính bản thân. Nhiều lúc bạn muốn ngừng trạng thái liên tục suy nghĩ đến một vấn đề nào đó, nhưng trí óc lại không thể ngừng lại. Thường xuyên thức trắng đêm để suy nghĩ quẩn quanh về vấn đề đó.
- Hoài nghi về bản thân
Trước bất cứ một vấn đề, tình huống nào, bạn cũng không tự tin rằng bản thân mình có thể đưa ra quyết định đúng đắn. Bạn luôn gặp khó khăn khi đưa ra quyết định vì sợ bản thân sẽ mắc sai lầm hoặc không chắc chắn về lựa chọn đúng đắn.
- Đa nghi đến bất thường
Chỉ cần một ánh mắt, một lời nói hoặc một hành động khác thường, dù là nhỏ nhất của người khác cũng đủ khiến bản thân suy nghĩ và đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau để lý giải cho sự khác thường đó.
Giả sử như khi bạn đăng một bài post trên mạng xã hội, nhưng bạn chợt nhận ra một người bạn thân thiết không tương tác với bức ảnh đó. Vậy là bạn liên tục đặt ra nhiều giả thuyết tiêu cực, cho rằng mối quan hệ giữa hai bạn đang có vấn đề. Hay khi bạn gọi điện cho người yêu, nhưng họ không bắt máy. Não của bạn lập tức tưởng tượng ra một đống các viễn cảnh thảm khốc.
- Dằn vặt bản thân khi phạm sai lầm
Mỗi khi phạm sai lầm, bạn có thể dành cả ngày dài hoặc nhiều ngày sau đó để dằn vặt bản thân. Chất vấn bản thân vì sao lại hành động như vậy.
- Suy nghĩ lặp lại những điều tồi tệ trong quá khứ
Thường xuyên nhớ về những điều tồi tệ đã diễn ra trong quá khứ và dằn vặt bản thân “tại sao lại như vậy? có cách nào để khắc phục hay không?”.
- Không ngừng suy nghĩ về một việc
Theo Helen Odessky – một nhà tâm lý học lâm sàng nổi tiếng thì chúng ta thường nhầm lẫn giữa suy nghĩ quá nhiều (overthinking) và suy nghĩ để đưa ra một quyết định nào đó.
Khi suy nghĩ để đưa ra một quyết định nào đó, bạn sẽ tập trung nghĩ về vấn đề đó, tìm ra giải pháp cuối cùng và hành động. Còn khi suy nghĩ quá nhiều, bạn mãi không tìm được giải pháp, hoặc nếu đã có tìm được giải pháp rồi vẫn không chịu thoát khỏi luồng suy nghĩ và vẫn cứ quẩn quanh nghiền ngẫm về vấn đề hiện tại.
Tác hại của Overthinking
Overthinking có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khoẻ tâm lý và thể chất, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một số tác hại phổ biến:
- Suy giảm sức khoẻ: Overthinking thường khiến bạn suy nghĩ và lo lắng quá mức, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm, tự kỷ. Nếu căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất của bạn.
- Rối loạn giác ngủ: Suy nghĩ quá mức thường đi kèm với cảm giác bất an, không thoải mái, giảm khả năng tận hưởng cuộc sống. Thậm chí bạn có thể gặp khó khăn trong việc ngủ, dẫn đến mất ngủ và cảm giác mệt mỏi vào ban ngày.
- Giảm năng suất làm việc: Overthinking có thể làm giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng đến năng suất làm việc, do đầu óc luôn bận rộn với những suy nghĩ khác. Bạn có thể bị tuột mất một vài cơ hội quan trọng vì hội chứng suy nghĩ quá mức thường khiến khiến bạn lưỡng lự, chần chừ…
- Giảm khả năng tự chủ: Overthinking có thể làm giảm lòng tin và khả năng tự chủ, khiến người đó cảm thấy mình không kiểm soát được cuộc sống của mình. Họ không có sự tin tưởng với bất kỳ thứ gì xung quanh, kể cả chính bản thân mình.
Cách khắc phục tình trạng Overthinking
Khi nhận thấy bạn thân đang mắc hội chứng Overthinking, bạn tự nhủ với bản thân sẽ không suy nghĩ nhiều nữa. Song đây chỉ là viễn cảnh hoàn hảo mà bạn tự nghĩ ra mà thôi. Thực chất bạn rất khó có thể thoát khỏi overthinking, mà chỉ có thể sống chung hòa bình với nó. Để khắc phục tình trạng suy nghĩ quá nhiều bạn nên:
1. Sử dụng phương pháp viết tay
Hãy chút hết những băn khoăn, trăn trở của mình lên trang giấy. Đây là cách tốt nhất để bạn có thể cân bằng cảm xúc của bản thân thay vì cứ để cho trí não hoạt động. Hãy viết ra những nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể. Điều này sẽ giúp tâm trí có trọng tâm và giảm bớt nhu cầu phải suy nghĩ quá mức.
2. Áp dụng 2 câu hỏi quyền năng
Mỗi khi đang mắc kẹt trong overthinking, bạn hãy để bản thân lần lượt trả lời 2 câu hỏi dưới đây:
#1. Việc này có liên quan đến mình hay không?
- Nếu như không: Hãy bỏ luôn các suy nghĩ hiện tại, vì rõ ràng là nó đâu có liên quan đến bản thân bạn đâu.
- Nếu như là có: Thì hãy tiếp tục trả lời câu thứ hai.
#2. Bản thân mình có quyền hạn, có năng lực can thiệp vào việc đó hay không?
- Nếu như không: Hãy cũng bỏ suy nghĩ hiện tại đi.
- Nếu như có: Hãy hỏi bản thân mình sẽ làm gì với điều đó. Hãy dám dũng cảm đối diện với bản thân và sai lầm (nếu đã từng phạm trong quá khứ). Khi có năng lực can thiệp thì cần bắt tay vào hành động để giải quyết. Tin chắc rằng bạn sẽ thoát khỏi bế tắc ngay lập tức và tình trạng overthinking sẽ tạm thời chấm dứt.
3. Trò chuyện nhiều hơn
Thường xuyên gặp gỡ bạn bè, giao lưu và trò chuyện. Cách này sẽ giúp những suy nghĩ rối tung trong bạn tạm ngưng lại. Nếu overthinking gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày, hãy nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý. Hãy nói lên những băn khoăn trăn trở của bản thân, những nút thắt khiến bạn cứ mãi mắc kẹt trong hàng tá các suy nghĩ. Họ sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và có các phương hướng điều trị phù hợp.
4. Duy trì lối sống lành mạnh
Hãy duy trì lối sống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục. Hoạt động thể chất có thể giúp bạn giảm căng thẳng và tạo ra cảm giác thoải mái, giúp giảm bớt suy nghĩ quá mức. Bên cạnh đó, bạn hãy hạn chế sử dụng mạng xã hội. Tiếp xúc quá nhiều với thông tin tiêu cực trên mạng xã hội có thể làm tăng cường suy nghĩ quá mức.
>>> Xem thêm: Những câu nói truyền năng lượng tích cực
Kết luận
Trên đây là toàn bộ thông tin lý giải Overthinking là gì, biểu hiện, tác hại và cách khắc phục hội chứng Overthinking. Nếu phát hiện bản thân đang suy nghĩ quá mức, hãy áp dụng các biện pháp mà chúng tôi chia sẻ trong bài viết này nhé. Hi vọng phần nào giúp bạn thoát khỏi những luồng suy nghĩ tiêu cực, cân bằng được trạng thái cảm xúc, sống tích cực và vui vẻ mỗi ngày.